Làn sóng "bài Trung" bùng phát tại Hàn Quốc sau loạt vụ tấn công bằng dao
Chiều thứ Hai, một cảnh báo khẩn cấp lạnh người vang lên khắp thành phố Siheung, tỉnh Gyeonggi: “Đã xảy ra một vụ đâm dao. Cảnh sát đang truy lùng nghi phạm. Vui lòng ở yên trong nhà và cảnh giác.”

Chỉ vài giờ sau, hình ảnh nghi phạm — một người đàn ông gốc Hàn mang quốc tịch Trung Quốc tên Cha Cheol-nam — đã chiếm trang nhất của hầu hết các trang tin lớn, trong bối cảnh cảnh sát phát lệnh truy nã trên toàn quốc.
Theo điều tra, Cha bị cáo buộc đã đâm trọng thương một người phụ nữ ngoài 60 tuổi — chủ cửa hàng tiện lợi mà anh ta thường lui tới — rồi bỏ trốn.
Khi cảnh sát lần theo dấu vết đến căn phòng trọ của nghi phạm, họ phát hiện thi thể đang phân hủy nặng, được cho là đã chết từ nhiều ngày trước.
Trước đó, Cha còn đâm một người đàn ông khoảng 70 tuổi cách hiện trường khoảng 2 km, và sau đó cảnh sát tiếp tục phát hiện một thi thể khác gần nơi ở của hắn. Chỉ sau một giờ mở rộng phạm vi truy bắt, nghi phạm đã bị bắt giữ.

Từ Chủ nhật đến thứ Hai, ba vụ án liên quan đến dao và người Trung Quốc xảy ra liên tiếp tại tỉnh Gyeonggi đã khiến cơ quan chức năng phải phát động hai lần “mã Code Zero” — mức báo động cao nhất của cảnh sát Hàn Quốc.
Các vụ việc đã nhanh chóng châm ngòi cho làn sóng bài Trung trên không gian mạng, đặc biệt là đối với cộng đồng người gốc Hàn mang quốc tịch Trung Quốc — hay còn gọi là “Joseonjok.”
Hàng loạt bình luận trên YouTube kêu gọi trục xuất toàn bộ người Trung Quốc hoặc phủ nhận sự đồng huyết của Joseonjok với người Hàn.
Làn sóng định kiến này không phải mới. Joseonjok là cộng đồng hình thành từ cuối thế kỷ 19 khi người Hàn di cư sang Mãn Châu để tránh đói, hình thành nên các cộng đồng tại khu tự trị Diên Biên của Trung Quốc.
Sau khi Hàn Quốc và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, làn sóng Joseonjok trở về quê cha đất tổ để tìm kiếm cơ hội sống tốt hơn ngày càng gia tăng.
Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2023 có khoảng 532.100 người gốc Hàn mang quốc tịch Trung Quốc đang sinh sống tại đây. Tuy nhiên, cộng đồng này lại thường xuyên bị gán ghép với hình ảnh tiêu cực.
Trong một khảo sát của CBS năm 2022 với sinh viên đại học Hàn Quốc, 83,5% mô tả hình ảnh Joseonjok là “thô lỗ” hoặc “nguy hiểm.” Thậm chí 58,3% cho biết họ sẽ từ chối nhận sự giúp đỡ từ Joseonjok khi đi học hay làm ăn tại Trung Quốc.
Truyền thông và điện ảnh Hàn Quốc cũng góp phần lớn vào định kiến này, khi thường xuyên khắc họa Joseonjok như những kẻ tàn bạo, vô cảm — như trong các bộ phim “Biển Vàng” hay “The Outlaws.”

Tuy nhiên, thống kê lại cho thấy tội phạm người Trung Quốc, bao gồm cả Joseonjok, không cao hơn người Hàn. Dữ liệu năm 2023 từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cho thấy, họ chỉ chiếm 1,2% tổng số nghi phạm. Thậm chí theo Viện Tư pháp và Tội phạm học Hàn Quốc, tỷ lệ bắt giữ tính theo 100.000 dân của người Trung Quốc chỉ bằng 59% so với người Hàn.
Lý do có thể do họ lo ngại về việc bị trục xuất, rào cản ngôn ngữ, và ít có mạng lưới xã hội để thực hiện hành vi phạm tội một cách dễ dàng.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc tập trung vào quốc tịch của thủ phạm sẽ bóp méo nhận thức công chúng về bản chất tội phạm.
Giáo sư Kim Hee-gyeo tại Đại học Kwangwoon chỉ ra: “Ở Mỹ, một quốc gia có lịch sử dài về phân biệt chủng tộc, quốc tịch hay sắc tộc thường bị loại khỏi các bản tin tội phạm vì được cho là không liên quan. Danh tính người Trung Quốc không liên quan đến bản chất vụ án này. Đây là một vụ án hình sự, không phải là ‘vấn đề Joseonjok’. Tư duy sai lệch như vậy chỉ đẩy xã hội ngày càng xa rời khỏi sự công bằng và bao dung.”
Bình luận 0

Tin tức
“Giờ chẳng còn mấy bóng người. À mà này, bạn có chút đồ ăn vặt cho mèo không?”

Giải Marathon Gây Phẫn Nộ Vì Loại Gia Đình Hai Người Và Kì Thị Người Đồng Giới

Người phụ nữ gây náo loạn khi nhảy từ tầng 19 của tòa nhà Gangnam... 57 người được huy động để giải cứu

Hàn Quốc và Mỹ kết thúc đàm phán kỹ thuật, chuẩn bị cho thương lượng toàn diện về thương mại

Trump nói ông nghe tin Samsung sẽ xây dựng cơ sở sản xuất “khổng lồ” tại Mỹ

Cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol bị truy tố vì lạm dụng quyền lực

Tòa án tối cao lật lại phán quyết trắng án trong vụ vi phạm luật bầu cử của Lee Jae-myung

Loạt bài viết "Góc tối nơi Mặt Trời mọc": Kẻ nhìn trộm

Loạt bài viết "Góc tối nơi Mặt Trời mọc": Bài Đồng Dao Chết Chóc Và Những Dây Thanh Quản Biến Mất ở Đại Học Nữ Sinh Sookmyung

Loạt bài viết "Góc tối nơi Mặt Trời mọc": Cơn ác mộng kéo dài 12 năm dưới vỏ bọc "gia đình"

Đi tù vì giúp một phụ nữ người Việt nhập cảnh trái phép

Loạt bài viết "Góc tối nơi Mặt Trời mọc": Thi thể nữ sinh và bí mật rùng rợn trong thùng rượu tại nhà máy Baekhwa

Từ chối phẫu thuật vì bệnh nhân nhiễm HIV: Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc kết luận "phân biệt đối xử trắng trợn"

Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc tuyên bố không tham dự lễ hội LGBTQ+, gây bùng nổ tranh cãi

Luật mới chống khủng bố cá nhân vừa áp dụng, cảnh sát Hàn Quốc rối loạn phân quyền
