TIỆM BÁNH GẠO PHƯỜNG NAKWON
Tiệm bánh có lịch sử từ thời triều Joseon
Nakwon Tteok House (낙원떡집) là một cửa tiệm chuyên bán báo gạo tại phường Nakwon, quận Jongro ngay trung tâm Seoul, được hình thành từ giai đoạn triều đại Joseon (triều đại kéo dài từ năm 1392 đến 1910). Giai thoại về tiệm bánh gạo này được truyền lại là bà Go I Po học làm bánh gạo từ những cung nữ ở cung Chang Deok gần đó, sau đó bắt đầu bán bánh gạo ở lề đường.
Sau đó, bà Go truyền lại tiệm bánh gạo cho con gái sinh năm 1919 của mình là Kim In Dong.
Sau chiến tranh Triều Tiên từ 1950 đến 1953, bà Kim In Dong chuyển tiệm bánh về địa chỉ hiện tại vào năm 1956 và truyền tiếp lại cho con gái của mình là bà Lee Gwang Sun.
Hiện nay, tiệm bánh được duy trì bởi bà và chồng mình ông Kim Jeong Gui, ngoài ra người con trai Kim Seung Mo cũng phụ ba mẹ.
Tiệm bánh này được chính quyền thành phố Seoul công nhận là “Di sản tương lai của Seoul” vào năm 2014.
Tiệm bánh gạo này được nhìn nhận như là chứng nhân lịch sử chứng kiến những sự kiện quan trọng và thay đổi của quá khứ, hiện tại và tương lai của Seoul. Góp phần phổ biến món bánh gạo vốn chỉ dành cho tầng lớp hoàng cung và giàu có trở thành món ăn thường ngày cho mọi người.
Nhiều trung tâm thương mại và mua sắm đã tiếp cận yêu cầu họ mở rộng kinh doanh với nhiều cửa hàng hơn, nhưng vợ chồng chủ tiệm đều từ chối.
Vì theo họ, bánh gạo chỉ ngon khi làm bằng tay, nếu sản xuất hàng loạt với số lượng nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của bánh.
Với sự nổi tiếng, thương hiệu tiệm bánh đã bị nhiều nơi sao chép lại mà không có sự đồng ý, nhưng chủ tiệm bánh không trách họ.
Theo ông Kim, thì thực ra thương hiệu tiệm bánh đã được đương ký bảo vệ thương hiệu từ những năm 1990, nhưng ông chưa từng kiện bất kỳ ai đã sao chép trái phép thương hiệu của mình.
Sự thoái trào của bánh gạo trong thời đại hiện nay
Tại thời điểm hoàng kim, xưởng sản xuất bánh kéo dài 4 dãy nhà tại phường Nakwon, và vận hành đến tận nửa đêm. Nhưng bánh gạo dần dần thoái trào từ những năm 2000 với sự phát triển của các tiệm bánh ngọt hiện đại, quy mô sản xuất bánh cũng giảm nhanh.
Ngày trước trung bình một tuần họ cần khoảng 800 cho đến 1,200 kg gạo nếp. Nhưng hiện tại mỗi ngày chỉ sử dạng cao lắm là 80 kg gạo nếp.
Dẫu cho thị trường bánh gạo sụt giảm, nhưng vẫn duy trì được là nhờ nỗ lực của chính phủ và các doanh nghiệp, khi họ luôn đặt những đơn đặt hàng lớn.
Nhưng đến giai đoạn COVID 19, chính sách giãn cách xã hội khiến cho sự tiếp xúc, hội họp bị giảm mạnh, thị trường bánh gạo càng bị sụt giảm hơn nữa. Rất nhiều tiệm bánh gạo phải đóng cửa trong giai đoạn này.
Tiệm Nakwon Tteok House suýt phải đóng cửa do những khó khăn đến từ nhiều thứ như giá thành tăng cao và họ cũng khó khăn trong việc tìm người, do các người lao động trẻ tuổi không hứng thú với công việc làm bánh gạo.
Ngày nay, khách đến tiệm đa phần là người lớn tuổi mua bánh gạo như là một phần của ký ức đẹp, chỉ một số rất ít khách hàng trẻ tuổi đến tiệm bánh khi đ ingang khu vực Jongro.
Ông Kim cho biết điều khiến ông buồn nhất chính là việc văn hóa chia sẻ bánh gạo giữa hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp trong những dịp đặc biệt đang ngày một phai nhòa.
Ông cho biết mình luôn mong tình hình kinh tế sẽ tốt hơn, mọi người sẽ thoải mái hơn trong việc quay lại những tiệm bánh gạo để mua bánh đánh dấu cho những sự kiện quan trọng.
Tiệm bánh có nhiều loại bánh từ bánh truyền thống đến những loại bánh như đậu đen, đậu nành, và đặc biệt như bánh làm từ lá ngãi cứu.
Bình luận