Hàn Quốc toàn cầu hóa “Phong trào nông thôn mới”, hỗ trợ các nước đang phát triển
Năm nay, chính quyền tỉnh Gyeongsangbuk-do sẽ thực hiện một loạt dự án trong và ngoài nước, nhằm mục đích tăng cường quy mô của “Dự án toàn cầu hóa Phong trào nông thôn mới”.
Ngày 10/3 vừa qua, chính quyền tỉnh Gyeongsangbuk-do đã đưa ra kế hoạch chuyển đổi “Dự án toàn cầu hóa Phong trào nông thôn mới” thực hiện trong 18 năm qua, trở thành “Chương trình cải cách quốc gia” để chính phủ và người dân tại các quốc gia khác trên khắp thế giới có thể gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp hơn trong quá trình phát triển quốc gia.
“Phong trào nông thôn mới” (tiếng Hàn: Saemaul Undong) là một sáng kiến được Chính phủ Hàn Quốc đưa ra vào năm 1970 với mục đích phát triển nông thôn và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Và từ năm 2005, chính quyền tỉnh Gyeongsangbuk-do bắt đầu triển khai “Dự án toàn cầu hóa Phong trào nông thôn mới” để hỗ trợ các nước đang phát triển thành công trong việc giảm nghèo.
Bắt đầu với những quốc gia có thành phố liên kết với tỉnh Gyeongsangbuk-do như Việt Nam và Indonesia, chính quyền tỉnh Gyeongsangbuk-do thông qua “Dự án toàn cầu hóa Phong trào nông thôn mới” đã thành lập tổng cộng 77 ngôi làng thí điểm tại 16 quốc gia cho phong trào này từ năm 2005.
Các nước tham gia vào “Chương trình cải cách quốc gia” được đổi mới lần này sẽ bao gồm Sri Lanka và Cộng hoà Trung Phi. Theo thông tin từ chính quyền tỉnh Gyeongsangbuk-do, Sri Lanka đã thành lập một tổ chức chuyên trách về Phong trào nông thôn mới tại các phòng ban trung ương, và Cộng hòa Trung phi thiết lập một ủy ban trực thuộc Văn phòng Tổng thống.
Trong thời gian qua, phía Hàn Quốc đã triển khai “Phong trào nông thôn mới cùng nhau sống thịnh vượng” vốn chỉ tập trung vào việc tạo lập cơ sở hạ tầng, dành cho ngành công nghiệp thứ nhất như lương thực, tuy nhiên sau này sẽ bổ sung thêm mục tiêu lan tỏa rộng rãi văn hóa Hàn Quốc, và xây dựng hệ thống giáo dục kỹ thuật số để thúc đẩy “Phong trào nông thôn mới thông minh để cùng nhau tận hưởng”.
Theo đó, chính quyền tỉnh Gyeongsangbuk-do sẽ triển khai Phong trào nông thôn mới đặt trọng tâm vào văn hóa cùng kỹ thuật số tại các ngôi làng thí điểm ở Indonesia, Côte d’Ivoire, Sri Lanka và Nigeria, bằng cách thiết lập hệ thống quản lý trình độ học tập thông minh cũng như truyền bá tiếng Hàn và Taekwondo.
Còn tại Hàn Quốc, chính quyền sẽ mở rộng quy mô “Nhóm thanh niên Saemaeul” có sự tham gia của những thanh niên độ tuổi từ 45 trở xuống, để thu hút sự tham gia của các thanh niên vào việc kế thừa tinh thần của Phong trào nông thôn mới.
Thống đốc tỉnh Gyeongsangbuk-do Lee Cheol-woo đã cho biết: “Phong trào nông thôn mới không phải là bản sắc tiêu biểu cho tỉnh Gyeongsangbuk-do, mà còn là một phần của thương hiệu quốc gia Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ tăng cường việc thúc đẩy phong trào này để thực hiện các hoạt động ngoại giao cấp chính quyền địa phương”.
[email protected]
Bình luận